Dạy con kiểu Đan Mạch

Tôi sống ở Đan Mạch cùng chồng và 2 con hơn 5 năm nay. Đó là một quốc gia nhỏ bé ở Bắc Âu nhưng lại đứng tốp đầu trong rất nhiều bảng xếp hạng thế giới về thu nhập, hạ tầng, y tế, giáo dục, chất lượng cuộc sống, bình đẳng giới, các giải pháp thân thiện môi trường. Đan Mạch cũng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong suốt 40 năm liền.

Bí mật của họ ư? Tôi tin rằng nó nằm trong cách người Đan Mạch nuôi dạy con cái, giúp tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc và cân bằng.

Chơi nhiều chưa hẳn là học dốt

Những ông bố Đan Mạch luôn dành thời gian chơi với con – Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở những môi trường mặc định sự bận rộn là dấu hiệu của thành công thì trẻ con thường được dạy rằng chơi nhiều là phí thời gian, hãy tập trung học hành và rèn luyện, để nếu không đứng nhất, đứng nhì trong lớp thì cũng không thua kém bạn bè.

Tôi nhớ ngày chị em tôi còn nhỏ, trước khi vào lớp Một, chúng tôi đã được cha mẹ cho đi học chữ, học toán để khi vô lớp khỏi bỡ ngỡ, vì bạn nào cũng đã biết đọc biết viết. Suốt những năm tiểu học, ngoài thời gian học chính ở trường, chúng tôi có những buổi đi học thêm ở nhà riêng của thầy cô giáo (tôi nhớ em gái mình bị cô khẻ tay suốt vì tập viết mãi mà không đẹp). Rồi về nhà ăn uống xong là phải ngồi vào bàn học bài đến khuya. Chị em tôi chẳng còn mấy thời gian mà chơi đồ hàng, chơi trốn tìm như trước.

Tôi có cảm giác từ sau 5 tuổi, tuổi thơ của chúng tôi đã không còn mấy thú vị. Thời gian được chơi duy nhất trong ngày có lẽ là 15 phút xem chương trình Những bông hoa nhỏ trên ti vi. Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ, tôi biết nhiều bé con của bạn bè mình thậm chí còn có lịch học sớm hơn, dày hơn. Các bé đi học tiếng Anh ở trung tâm, học đọc học viết với gia sư riêng, học toán học số học lập trình trên app… từ trước khi chính thức vào lớp Một. Tâm lý cha mẹ ai cũng muốn chuẩn bị một nền tảng kiến thức tốt nhất cho con để sau này con có thể phát triển, thành công, hạnh phúc.

Trong khi đó, các bậc cha mẹ ở Đan Mạch lại nghĩ khác. Họ cho rằng, với trẻ con thì chơi là quan trọng nhất. Vui chơi đủ và trọn vẹn cả tuổi thơ là cách để con học tập, rèn luyện và lớn khôn. Thông qua việc tự do chơi đùa, trẻ sẽ học hỏi và phát triển những kỹ năng quan trọng sau này như: khả năng thương lượng với bạn bè, cách làm việc nhóm, tư duy tổ chức và sắp xếp đồ chơi hay vật dụng, sự kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt, cách suy nghĩ sáng tạo khi chơi tưởng tượng, cách giải quyết tình huống căng thẳng, cách đối diện với cảm xúc của mình khi hứng khởi hay lúc không như ý, cách tự đứng dậy sau mỗi cú té ngã…

Quan trọng nhất, việc chơi khiến một đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc. Và kết quả của việc “chơi nhiều” đã tạo nên những người Đan Mạch vô cùng sáng tạo, làm việc hiệu quả và có thu nhập cao nhất nhì châu Âu. Rõ ràng thực tế đã chứng minh: không hẳn “chơi nhiều thì học dốt”.

Thời gian chơi phải chất lượng

Chồng tôi là người Đan Mạch, dĩ nhiên là anh có niềm tin tuyệt đối vào tầm quan trọng của việc chơi. Chúng tôi đã thống nhất với nhau sẽ để cho các con được chơi tự do ít nhất 6 năm đầu đời, nghĩa là sẽ không dạy con học chữ sớm, làm toán sớm, học ngoại ngữ sớm. Những thứ đó con sẽ bắt đầu học ở trường khi đến tuổi. Còn hiện tại, chúng tôi tập trung vào việc làm sao để con có được thời gian chơi chất lượng.

Chúng tôi sắp xếp một phòng riêng trong nhà chỉ để dành cho việc chơi, gồm thảm trải sàn, gối mềm, rất nhiều đồ chơi kích thích trí tưởng tượng. Một ngày của con trai tôi thường bắt đầu bằng việc chơi ngay sau bữa sáng. Bé sẽ chơi tầm 15 phút rồi chọn mang một món đồ chơi đến trường. Ở trường, bé sẽ được vẽ, tô màu, nấu ăn, đạp xe, trồng cây, chơi theo nhóm, chơi đôi hoặc được đi dã ngoại ở biển, cánh đồng, khu rừng…

Đến chiều, khi đón con, chúng tôi không về nhà ngay mà đi thẳng ra công viên để bé có thêm thời gian chạy nhảy, chơi đùa cùng cha mẹ và kể cho cha mẹ nghe những chuyện ở lớp. Về đến nhà, bé lại hội ngộ với những món đồ chơi yêu thích của mình. Sau khi ăn tối thì chơi tiếp cho đến giờ ngủ. Tôi rất thích nhìn ngắm khung cảnh chồng tôi ngồi kiên nhẫn chơi cùng con những món đồ chơi mà anh đã chơi hơn 40 năm trước được mẹ chồng tôi gìn giữ kỹ lưỡng.

Tác giả và con trai đi dạo – một hoạt động quen thuộc mỗi ngày của 2 mẹ con – Ảnh do nhân vật cung cấp

Đó là những bộ Lego thời kỳ đầu, bộ Playmobil với lâu đài, lính ngự lâm, tàu cướp biển, bộ tàu lửa gỗ Brio chi tiết… Con trai tôi cứ thế mà chơi không chán. Mỗi ngày cu cậu lại nghĩ ra một câu chuyện mới, một cách lắp ghép mới với những món đồ chơi của mình.

Quan sát con chơi, chúng tôi nhận thấy khả năng ngôn ngữ của bé ngày càng phát triển. Trí tưởng tượng và óc sáng tạo của con cũng rất phong phú, con có khả năng nhận biết màu sắc và hình khối chính xác. Bé biết sắp xếp và quản lý đồ vật của mình ngày càng gọn gàng. Bé cũng nhận biết và gọi tên những cảm xúc vui, buồn, hào hứng, thất vọng, giận dỗi khi chơi.

Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi lại sắp xếp để con có ngày “Playdate” (Hẹn hò chơi) cùng với 1 hoặc nhiều bạn ở lớp. Những buổi Playdate thường là ở nhà, ở thư viện, ở sân chơi cộng đồng…

Có thể chúng ta không thể đo lường chính xác được trẻ con sẽ học được bao nhiêu, học được những gì thông qua việc chơi, nhưng người Đan Mạch tin rằng chúng đang học được rất nhiều. Có thể những đứa trẻ không biết đọc chữ sớm hay làm toán vanh vách, nhưng rõ ràng là chúng đang học về những kỹ năng xã hội cần thiết, cách thỏa hiệp và vượt qua căng thẳng – những điều không có trong sách vở hay những con số.

Đặt điện thoại xuống khi ở gần con

Một buổi chiều, vợ chồng tôi đón Viggo đi học về rồi ghé công viên chơi. Trong lúc con trai chơi với cha và con gái đang ngủ trong xe đẩy thì tôi tranh thủ dùng điện thoại tra công thức nấu ăn cho bữa tối. Tôi còn đi tới quay video 2 cha con để gửi cho ông bà ngoại. Bỗng Viggo nói một câu khiến tôi giật mình: “Mẹ cứ cầm điện thoại nên con không nhìn thấy mẹ”.

Điện thoại bây giờ đúng là thứ không thể thiếu mỗi ngày: để liên lạc, để chụp hình, quay video, để tra cứu, học tập, làm việc, để shopping, giao dịch, ghi chú, để nghe podcast, nghe nhạc, để xem tin tức, lướt mạng xã hội… Nói chung nó rất tiện lợi, nhất là từ khi chăm con nhỏ, tôi không thể tìm được thời gian ngồi xuống mở máy tính nên toàn tranh thủ giải quyết việc trên điện thoại bất cứ lúc nào có thể. Nhưng câu nói của thằng con 3 tuổi làm tôi suy nghĩ mãi. Có lẽ phải bỏ bớt điện thoại xuống khi ở gần con thôi.

Mình cùng chơi nhé

“Lege” (chơi) là một từ quan trọng ở Đan Mạch. Không chỉ vì nó xuất hiện trong tên gọi của sản phẩm nổi tiếng nhất của Đan Mạch: Lego (viết tắt của cụm từ “leg godt”, tạm dịch là “chơi vui”), mà vì đó là hệ tư tưởng đã ăn sâu trong cách giáo dục con trẻ ở đây.

“Skal vi lege?” (Mình cùng chơi nhé) là câu nói cửa miệng mỗi ngày của cậu con trai 3 tuổi của tôi. Bé nói câu này với cha mẹ, ông bà, chú bác, anh chị họ, bạn bè và thầy cô ở trường mẫu giáo. Đó là một lời mời, đôi khi là thỉnh cầu và rất nhiều lần mang tính yêu cầu, bởi bé đã quen với việc được chơi mỗi ngày và xem đó là quyền lợi hiển nhiên của mình – một đứa trẻ. Và vì những người lớn xung quanh bé cũng nghĩ như vậy nên bất cứ khi nào nhận được lời yêu cầu cùng chơi, họ đều ngồi xuống dành thời gian chơi với bé, kiên nhẫn và hết mình.