Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 11.10 với mức tăng thêm 4,8%, lên mức 2.103,11 đồng/kWh.
Doanh nghiệp “đau đầu” vì tăng giá điện
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhôm định hình, trung bình mỗi năm, tổng mức năng lượng tiêu thụ của Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành là 1.817 TOE. Do vậy, việc tăng giá điện thêm 4,8% chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Trong thời điểm thị trường đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc chi phí điện tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm leo thang, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó. Với việc tăng giá điện 4,8%, chi phí sản xuất sẽ tăng tương ứng”, đại diện Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành cho hay.
Theo đại diện doanh nghiệp này, đơn hàng thường được đàm phán trong khoảng 3-6 tháng; doanh nghiệp không dễ dàng tăng giá bán sản phẩm để giữ chân khách hàng. Do vậy, việc tiết giảm tối đa các chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo là lựa chọn bắt buộc.
Để nâng cao công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công ty đã thành lập Ban quản lý năng lượng với 5 thành viên, có 1 cán bộ quản lý năng lượng được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương, có sơ đồ tổ chức Ban quản lý năng lượng, quy định chức năng nhiệm vụ của các thành viên trong ban. Ban hành chính sách năng lượng, kế hoạch tiết kiệm năng lượng hàng năm và 5 năm.
Công ty cũng đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, loại bỏ dần các thiết bị có công nghệ lạc hậu như các lò già hóa, lò nung vôi bằng các thiết bị tân tiến tiết kiệm điện năng hơn, sử dụng các tấm lấy sáng composite, mở rộng ô thoáng, lắp đặt hệ thống quạt thông gió, cài đặt thời gian chiếu sáng theo nhu cầu sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Kết – Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho biết, giá điện tăng đã nằm trong dự tính của doanh nghiệp ngay khi có các thông tin liên quan đến số lỗ của ngành điện.
“Giá điện chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành phẩm. Khi giá điện tăng, chi phí tác động thêm khoảng 5% giá thành sản phẩm, điều này có thể chấp nhận”, ông Kết nói và cho biết, bản thân doanh nghiệp đang nỗ lực hơn để nâng cao công nghệ sản xuất, tiết kiệm điện.
Ông Nguyễn Dũng – chủ một đơn vị vận chuyển hành khách tại Hà Nội cho biết, mặc dù đơn vị đã có dự phòng cho việc tăng giá điện nhưng vẫn khá bất ngờ trước thông tin giá bán lẻ điện tăng 4,8%.
“EVN cần có lộ trình tăng giá rõ ràng để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất và xuất khẩu. Tình trạng tăng giá đột ngột như thế này khiến doanh nghiệp rất khó xoay xở”, ông Dũng nói.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên, việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục cuối năm nay.
Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó các doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời (điện áp mái).
“Hiện nay, một số doanh nghiệp như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện. Từ thách thức của tăng giá điện thì các doanh nghiệp của ngành dệt may cũng phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực”, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.
Lý do tăng giá điện
Lý giải về việc tăng giá bán lẻ điện, đại diện EVN cho biết, do thực tiễn, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỉ giá ngoại tệ…, trong đó, cơ cấu nguồn biến động theo chiều hướng bất lợi khi các nguồn mua điện có giá thành rẻ giảm, các nguồn mua điện có giá thành đắt tăng so với năm 2022.
Theo EVN, giá các loại nhiên liệu than, khí năm 2023 mặc dù giảm so với năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Giá than pha trộn năm 2023 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn đang duy trì ở mức cao, cao hơn từ 29% đến 35% (tùy từng chủng loại than) so với giá than pha trộn áp dụng năm 2021.
“EVN đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế nên quyết định mức tăng 4,8%”, ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay.