Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại; Ông Choi Bong Sik – Chủ tịch World OKTA – Chi nhánh Hà Nội; Ông Đỗ Cao Bảo – Phó TGĐ Tập đoàn FPT; Bà Vũ Thị Thuận – CTHĐQT Công ty CP Traphaco; Ông Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI; Ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Chủ tịch Hội đồng giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI.

Ban tổ chức trao kỷ niệm chương và hoa cho các nhà tài trợ

Trong thời gian qua, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến và trải qua những biến động lớn như: sự xuất hiện của các FTA thế hệ mới (CPTPP…), sự kiện Brexit, những điều chỉnh chính sách đã và sẽ thực hiện bởi Chính phủ mới ở Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump hay tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…Trước tình hình đó, mỗi quốc gia đều buộc phải nhạy bén đưa ra các chính sách phù hợp. Với sự mở cửa của các nền kinh tế, việc chia sẻ – cập nhật thông tin diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và liên tục đã tạo đà phát triển mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Tất Thịnh – Chủ tịch Hội đồng giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI, phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng bằng việc tham gia vào cộng đồng APEC, ASEAN, CPTPP, EVFTA… Cùng với những biến động không ngừng của các xu hướng thương mại thế giới, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng thay đổi nhanh chóng. Quá trình hội nhập mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, cạnh tranh.

Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco, chia sẻ thông tin tại hội thảo

Bà Thuận cũng cho rằng, để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị tạo được niềm tin cho các bên liên quan; đảm bảo tính minh bạch, tăng cường hợp tác và hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị dài hạn.

Ông Đỗ Cao Bảo – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ của nước ngoài hiện diện tại Việt Nam, trong khi đó số doanh nghiệp Việt vươn mình ra thị trường khu vực rất ít. Nếu doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào nền kinh tế Việt Nam được 3 phần thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới hội nhập kinh tế thế giới chưa được một phần.

Ông Đỗ Cao Bảo cho rằng để lớn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải thoát khỏi sự sợ hãi, từ bỏ được bản tính chỉ “quanh quẩn xó nhà” vì với quá trình toàn cầu hóa thương mại không chỉ có thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài.

Để tham gia thị trường khu vực và thế giới thành công như TH True Milk,Viettel, FPT…, các doanh nghiệp cần có quá trình cần tích lũy nội lực cả về chất lượng sản phẩm, giải pháp lẫn năng lực kinh doanh quốc tế; đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng quản trị tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, marketing, sale…

Ông Choi Bong Sik – Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại hải ngoại (OKTA) chi nhánh tại Hà Nội cho rằng, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh nhưng phần lớn giá trị ẩn phẩm đều thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài còn Việt Nam chỉ nhận lại lợi nhuận về lao động; chỉ một số ít công ty Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu.

Hầu hết các công ty Việt Nam hiện tại chỉ đầu tư vào các ngành đơn giản như nông, thủy sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên, dệt may đơn thuần đói hỏi chất lượng lao động không quá cao.

Doanh nghiệp Việt ít sản xuất được sản phẩm có giá trị cao, chất lượng ưu việt, thiết kế đẹp mắt và giá cả cạnh tranh thiếu nền tảng công nghệ và kinh nghiệm sản xuất đại trà.

Song song với việc mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt phải chủ động bằng cách không dựa vào việc kinh doanh các ngành quá phụ thuộc vào lực lượng lao động có rủi ro cao do chi phí nhân công tăng. Việt Nam cần thay thế các sản phẩm nhập khẩu bằng hàng “Made in Vietnam” với cách sản xuất các sản phẩm và linh kiện công nghệ cao thông qua việc nghiên cứu và phát triển cơ bản

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, để mở rộng thị trường ở nước ngoài mà vẫn tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới các đối tác chiến lược ở địa phương.

Các đại biểu cho rằng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị cũng như mạnh dạn bước ra thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất để vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách hợp lý, hiệu quả. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải thích nghi, muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo.

 

Thiên Phúc