Hội thảo xung đột thương mại Mỹ – Trung: DN cần lưu ý về phòng vệ thương mại

Xung đột thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đến thời điểm hiện tại đã có những biến chuyển mới. Tuy vậy, quyết định về việc “tạm ngưng leo thang thuế” của các nhà lãnh đạo vẫn còn là dấu hỏi lớn và nền kinh tế thế giới vẫn phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Đối mặt với tình hình này, việc vừa phải bảo vệ thị trường trong nước vừa phải đảm bảo xuất khẩu là vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp Việt đang gặp phải.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, trong thời gian gần đây, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hoá XK của Việt Nam ngày càng gia tăng. Một trong những bất lợi mà các DN XK Việt Nam phải đối mặt từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung là việc gia tăng PVTM đối với hàng hoá XK của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Ông Chu Thắng Trung, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong giai đoạn 2017-2018, phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ đối với hàng hoá XK của Trung Quốc đã tăng 35%.

Điểm đáng chú ý là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung còn làm gia tăng xu thế bảo hộ trên toàn cầu do Hoa Kỳ và Trung Quốc xung đột, hàng hoá có xu hướng tràn sang nước thứ 3 và các nước thứ 3 cũng có thể áp dụng các biện pháp PVTM. Sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt với thép NK từ Trung Quốc theo đạo luật 232, hàng loạt nước khác cũng áp dụng các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN, cho rằng: để có thể đối phó với các vụ kiện PVTM từ Hoa Kỳ các DN phải đảm bảo hệ thống số liệu chi tiết về và chính xác về giá bán, chi phí tiêu thụ các yếu tố đầu vào… đối với từng mã sản phẩm. Bên cạnh đó cần có nguồn lực tài chính để đầu tư các vấn đề về pháp lý và kỹ thuật như giá trị thay thế, phương pháp tính toán biên độ phá giá. Đồng thời cần xây dựng chiến lược kháng kiện dài hạn vì các vụ việc điều tra PVTM thường kéo dài nhiều năm…

Theo thống kê, tính đến tháng 3/2019, hàng hoá XK của Việt Nam đã phải đối mặt với trên 120 vụ kiện PVTM, trong đó riêng năm 2018 đã có 10 vụ, các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều là điều tra chống bán phá giá, điều tra và điều tra chống trợ cấp. Các nước áp dụng nhiều nhất là Hoa Kỳ, Eu, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada… 30% các cuộc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép, ngoài ra còn có hoá chất và các sản phẩm chế biến, chế tạo khác.

Thiên Phúc