Huy động dưới hình thức góp vốn
Ngày 28/1/2018, trên website Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Kim Oanh (Kim Oanh Group) đăng bản tin “Kim Oanh Group động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú tại Bình Dương”. Theo giới thiệu trên website, Khu đô thị Tân Phú sở hữu vị trí đắc địa khi tọa lạc ngay giao lộ Võ Văn Kiệt-Phạm Ngọc Thạch, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú cung cấp cho thị trường hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn cùng hệ thống dịch vụ, tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu cuộc sống cư dân.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh phát biểu trong lễ khởi công rằng: “Hội tụ nhiều ưu điểm vượt trội, khu đô thị Tân Phú sẽ trở thành một trung tâm giao thương hàng đầu tại TP. Thủ Dầu Một với các khu phố thương mại sầm uất kinh doanh đủ các ngành nghề và giá trị bất động sản sẽ không ngừng tăng cao”.
Thông tin từ bản tin này cũng cho biết, ba đơn vị thành viên Kim Oanh Group cùng hợp tác phát triển dự án gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (chủ đầu tư), Công ty Cổ phần Xây dựng An Phước Bình Dương (thi công hạ tầng) và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh (phân phối độc quyền).
Tuy nhiên, sau khi Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng.
Điều đáng nói, sau khi làm lễ khởi công, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu đi huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, hàng trăm khách hàng đã chuyển tiền cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú dưới hình thức góp vốn.
Điển hình như ông Đ.C.L nộp vào tài khoản Công ty Tân Phú số tiền 2 tỷ đồng vào ngày 4/7/2018 với mục đích là “góp vốn dự án Tân Phú”. Ở ngày 5/7/2018, Ông H.V.T chuyển khoản “góp vốn dự án 43ha Tân Phú” cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với số tiền gần 3 tỷ đồng. Cũng trong ngày 6/7/2018 cá nhân H.T.. góp vốn dự án khu đô thị Tân Phú 3 tỷ đồng…
Tương tự, ở ngày 10/7/2018, bà N. T.T. T. chuyển hợp đồng vay vốn 10 lô dự án 43 ha Tân Phú cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với số tiền 9,5 tỷ. ngày 3/8/2018 khách hàng N.V.T. chuyển 15 tỷ để góp cho dự án 43 ha Tân Phú… Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, đến hết tháng 9/2019, đã có hàng trăm khách hàng chuyển tiền cho Công ty Tân Phú với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cá biệt, có khách hàng cho Công ty Tân Phú vay, góp vốn đầu tư với số tiền lên tới 10 tỷ đồng/hợp đồng, 37 tỷ đồng/hợp đồng.
Theo trích lục từ phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú có trụ sở chính tại 21 lô C, đường Lê Lợi, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Vốn điều lệ 350 tỷ đồng.
Chủ sở hữu Công ty Tân Phú là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM, có mã số doanh nghiệp là 0301395457 do phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp ngày 25/1/2018. Trụ sở chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM là 492/32, Xa Lộ Hà Nội, khu phố 1, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM.
Người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc công ty này là bà Đặng Thị Kim Oanh, sinh ngày 1/2/1970. Hộ khẩu thường trú tại khu phố 4, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Bà Oanh cũng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh.
Vào tù vì sai phạm nghiêm trọng Dự án Khu đô thị Tân Phú
Theo tài liệu của chúng tôi, Khu đô thị Tân Phú có diện tích hơn 43ha, được “hóa kiếp” từ đất công của Tổng công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương). Điều đáng nói, khu đất rộng hơn 43ha được Tổng công ty Bình Dương tự định giá và khi chuyển nhượng đã không thông qua đấu giá công khai.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết kết quả điều tra xác định khu đất có diện tích 43ha tọa lạc tại P.Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một) là tài sản nhà nước giao cho Tổng công ty Bình Dương để thực hiện dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú.
Trong quá trình quản lý, sử dụng, vào năm 2016 Tổng công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với giá trên 250 tỷ đồng. Đại tá Chính cho biết giá này do Tổng công ty Bình Dương và Công ty Tân Phú tự thỏa thuận khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vào năm 2010.
Cơ quan điều tra khẳng định trong việc chuyển nhượng 43ha đất này, Tổng công ty Bình Dương thực hiện không đúng về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thất thoát trên 126,8 tỷ đồng so với bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương quy định tại thời điểm chuyển nhượng năm 2016.
Do hành vi sai phạm này, ngày 8/4, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với các bị can Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên) và Trần Nguyên Vũ (thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương); khởi tố, cho tại ngoại điều tra bị can Huỳnh Thanh Hải (nguyên thành viên Hội đồng thành viên đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Bình Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương trực thuộc Tổng công ty Bình Dương) để điều tra hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Được biết, bước đầu cơ quan điều tra xác định các cá nhân trên có vi phạm khi chuyển nhượng đất, vốn góp liên quan đến khu đất 43ha tại thành phố mới Bình Dương từng do Tổng Công ty Bình Dương quản lý, nay đã thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân là Công ty Địa ốc Kim Oanh.
Trước đó, hồi giữa tháng 11/2019, ông Nguyễn Văn Minh có đơn xin từ chức nhưng không được chấp thuận. Còn vào ngày 16/12/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất Xuất nhập khẩu Bình Dương để tiếp tục điều tra.
Dữ liệu của chúng tôi cho thấy, sau khi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Tổng công ty Bình Dương đầu tư dự án Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương tại thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một) và được giao diện tích hơn 5.409.692 m2 (hơn 540 ha).
Đến ngày 1/7/2010, Tổng công ty Bình Dương do ông Nguyễn Văn Minh (Tổng Giám đốc) ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc do ông Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Giám đốc) để thỏa thuận thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Bên A góp vốn 60 tỷ đồng tiền mặt (30%), bên B góp 140 tỷ đồng (70%), thực hiện dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú.
Theo hợp đồng liên doanh, dự án được chia thành ba giai đoạn, trong đó quy định việc góp vốn phải hoàn tất chậm nhất vào tháng 2/2011. Thế nhưng cả Tổng công ty Bình Dương lẫn Công ty Âu Lạc không thực hiện việc góp vốn điều lệ như đã ký kết. Đến ngày 8/12/2016, Tổng công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất toàn bộ 430.000m2 cho Công ty Tân Phú chỉ với giá hơn 250 tỷ đồng (581.653 đồng/m2).
Trong khi trước đó vào ngày 23/12/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định 66/2015/QĐ-UBND về quy định bảng giá đất ở đô thị tại khu vực TP Thủ Dầu Một với mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2, vị trí 2 giá 7,7 triệu đồng/m2 và vị trí 3 giá 5,64 triệu đồng/m2. Chỉ cần so sánh giá do liên doanh Tổng công ty Bình Dương với Công ty Âu Lạc bán cho Công ty Tân Phú đã thấy rẻ hơn 42,2 lần giá do UBND tỉnh Bình Dương quy định.
Nếu áp đúng giá do chính UBND tỉnh Bình Dương quy định tại quyết định 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015, giá trị tổng diện tích đất ở tại Khu đô thị Tân Phú lên tới 3.204 tỷ đồng chỉ với phần diện tích đất ở. Còn nếu tính tổng diện tích 430.000m2 của dự án, số tiền lên tới hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy trong phi vụ “hóa giá đất vàng” tại dự án này, Tổng công ty Bình Dương đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 3.000 tỷ đồng.
Theo Pháp Luật Ngày nay