Môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thị trường BĐS

Hội thảo thu hút sự tham dự của khoảng 600 khách mời là các cấp quản lý của các công ty môi giới sàn giao dịch, chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án và kinh doanh BĐS, hội thảo là dịp để cộng đồng các nhà môi giới cùng lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm về nghề nghiệp, đề xuất các ý kiến, giải pháp đối với các đại diện Cơ quan, Bộ ngành liên quan.

Các đại biểu chia sẻ thông tin

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc quá nhiều môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng đã vội vã tham gia thị trường đã tạo ra nhiều hệ lụy bất cập, khiến các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây. Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp cũng bị sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các “cò đất”. Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, khoảng 80% giao dịch BĐS thành công là thông qua môi giới. Như vậy, môi giới có vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường BĐS.

Bất động sản là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.637 doanh nghiệp, tăng 6,5%. Trong đó, lĩnh vực BĐS áp đảo với 6.423 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41,7%. Riêng 3 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng trưởng 26,3% với 1.548 doanh nghiệp mới được thành lập. Đáng chú ý, trong số hàng ngàn doanh nghiệp BĐS thành lập mới mỗi năm, số doanh nghiệp môi giới đang chiếm một lượng đông đảo.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong khoảng 300.000 môi giới BĐS đang hoạt động tại Việt Nam, hiện chỉ có 27.000 người có Chứng chỉ hành nghề theo luật cũ, 8.000 người đã có Chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Nhà môi giới tại Việt Nam nhìn chung đều “thờ ơ” và bỏ qua những quy định của pháp luật khi hành nghề. Khi rào cản pháp luật vô hình chung không có nhiều “giá trị” với những người làm nghề môi giới, thì việc trông đợi các nhà môi giới tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đóng góp cho sự phát triển minh bạch của thị trường BĐS là một điều không đơn giản.

Các đại biểu cũng cho rằng mọi người tìm đến Môi giới bất động sản khi có nhu cầu tìm mua nhà và giao tài sản của minh cho Môi giới bất động sản chào bán khi có nhu cầu bán nhà. Rất nhiều chủ đầu tư bất động sản có thương hiệu, làm ăn uy tín sẵn sàng tin tưởng giao phó toàn bộ việc tiêu thụ sản phẩm cho Nhà Môi giới bất động sản chuyên nghiệp.

Dư luận xã hội đan xen giữa thiện cảm và ác cảm với Nghề Môi giới bất động sản. Người hành nghề Môi giới bất động sản nhiều lúc bị miệt thị gọi là “Cò” xen lẫn với một chút ganh tỵ với thu nhập khủng của họnhưng hầu như ai cũng tìm đến Môi giới bất động sản khi phát sinh nhu cầu mua hoặc bán bất động sản.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nhà môi giới tại Việt Nam cũng như bài học kinh nghiệm về hoạt động môi giới tại những thị trường BĐS phát triển như Mỹ, Singapore, đồng thời đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả nghề môi giới như giải pháp quản lý người môi giới theo công nghệ gắn mã số.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã vinh danh những cá nhân, tập thể xuất sắc trên toàn quốc đại diện cho gần 300.000 người đang có các hoạt động hành nghề tại Việt Nam. Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho 12 doanh nghiệp và 38 cá nhân; tôn vinh 30 sàn giao dịch bất động sản tiêu biểu cho 3 khu vực Bắc Trung Nam; 30 nhà môi giới bất động sản tiêu biểu; 10 nhân vật truyền cảm hứng trong ngành bất động sản; 4 thương hiệu bất động sản uy tín được khách hàng và môi giới bất động sản được bình chọn tại TPHCM.

Thiên Phúc