Nâng cao hiệu quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo về trẻ em 111

Tổng đài Điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em đã được khai trương ngày 6/12/2017 trên cơ sở đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em Việt Nam Child Helpline 18001567 (hoạt động từ năm 2004). Tổng đài này do Cục Trẻ em trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động.

Từ 1/1/2018-15/12/2018, Tổng đài 111 đã tư vấn 27,407 ca (tăng 1,562 ca so với cùng kỳ năm 2017), hỗ trợ can thiệp cho trẻ em 806 ca (tăng 222 ca so với 2017).

Trong đó, bạo lực trẻ em: 357 ca (tăng 140 ca, 64,5% so với cùng kỳ năm 2017); xâm hại tình dục trẻ em: 250 ca (tăng 36 ca so với cùng kỳ 2017, tăng 16,8%); bóc lột trẻ em: 46 ca (tăng 30 ca so với 2017); liên quan đến pháp luật (làm giấy khai sinh, tranh chấp quyền nuôi con): 98 ca (tăng 19 ca) và các nhóm khác: 55 ca (mua bán trẻ em, chính sách cho trẻ khuyết tật, liên quan đến nhà trường…).

Số ca trẻ em bị bạo lực tăng cao: 357 ca, tăng 140 ca so với cùng kỳ năm 2017. Nổi lên vấn đề bạo lực của giáo viên đối với học sinh, xảy ra tại một số tỉnh/thành phố như: quận Gò Vấp, quận Tân Bình (TPHCM), Trà Vinh, Quảng Bình, Long An, Nam Định; Nhiều phụ huynh mất lòng tin ở bảo mẫu, cô giáo mầm non, lo lắng sự an toàn của trẻ khi đến trường và mong muốn lắp camera tại trường học.

TPHCM là địa phương xảy ra nhiều vụ việc với 101 ca, Hà Nội: 98 ca, Bình Dương: 29 ca, Nghệ An, Thanh Hóa: 25 ca/tỉnh, Đồng Nai: 22 ca, Hải Phòng: 18 ca và Cà Mau: 16 ca.

Đại diện Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết trong quá trình thực hiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như nhiều trường hợp Tổng đài không kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã do cán bộ không nghe máy, bận họp và từ chối hợp tác, không tiếp nhận thông tin từ phía Tổng đài.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc gọi trêu đùa gây khó khăn cho nhân viên tư vấn trong quá trình làm việc đồng thời ảnh hưởng đến các cuộc gọi của người dân cần sự hỗ trợ không gọi vào được Tổng đài. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nằm trong hệ thống bảo vệ trẻ em còn yếu, điều đó hạn chế việc đáp ứng kịp thời nhu cầu được giúp đỡ của trẻ em.

Ngoài ra, Tổng đài chưa thực sự tiếp cận hiệu quả nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Các hoạt động của Tổng đài ít khi được lồng ghép vào các chương trình, dự án liên quan. Sự phát triển của công nghệ thông tin, những rủi ro và nguy cơ đối với trẻ em xuất phát từ môi trường mạng, đòi hỏi sự phát triển kênh tiếp nhận online.

Hiện nay, đã xây dựng mạng lưới kết nối của Tổng đài quốc gia: đầu mối tại Sở LĐTBXH 63 tỉnh/thành phố (TTCTXH và Phòng BVTE). Quý 4/2018, đã thiết lập mạng lưới cộng tác viên tiếng dân tộc thiểu số (Nùng, Tày, Thái, Mường, Khơme, H’Mông, Êđê, Bana, GiaRai, Chăm) và cộng tác viên tiếng Anh của Tổng đài.

Thiên Phúc