Ngành Sữa Việt Nam trước CPTPPP: Cơ hội và thách thức

Trong thời gian qua, ngành sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt và năm 2018, ngành sửa đã tăng trưởng 9% so với năm 2017. Trên thị trường VN hiện nay đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm của các DN chế biến sữa trong và ngoài nước. Trước những cơ hội và thách thức đó, các DN ngành sữa đã và đang đầu tư các dự án có quy mô với các thiết bị, dây chuyền hiện đại, công nghệ tiên tiến, các DN đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển vùng nguyên liệu, trang trại nuôi bò sữa, công nghệ vắt sữa, Xu hướng đầu tư này là hướng đi đúng và phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành sữa của Nhà nước, phù hợp với sự thay đổi trong xu hướng của người tiêu dùng và đón đầu sự hội nhập ngày càng sâu rộng.

Sau nhiều năm gia nhập WTO, ngành sữa Việt Nam đã có nhiều cơ hội tăng thị phần và phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hội nhập cùng với thị trường thế giới.

Các đại biểu cho rằng khi tham gia các Hiệp định AFTA và TPP, thách thức đối với ngành sữa là sức ép cạnh tranh do lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu về bằng 0%, việc giảm thuế sẽ tác động dẫn đến giá sữa nhập trên thị trường giảm, tạo sức ép đến các DN sản xuất sữa trong nước. Bên cạnh đó, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thuế nhập khẩu của sản phẩm sữa từ Singapore, Nhật Bản, NewZealand sẽ cắt giảm xuống còn 0% nên sữa Việt sẽ cạnh tranh với sữa ngoại.

Tiến sỹ Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng, khi thực thi Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp ngành sữa có cơ hội nhập thiết bị, dây chuyền sản xuất, bò giống, các sản phẩm sữa với thuế suất thấp.

Theo ý kiến của đại biểu cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội này, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp nên phát triển sản phẩm mới, mở ra thị trường ngách, như những sản phẩm sữa vi chất dinh dưỡng, sữa dinh dưỡng y sinh trong điều trị bệnh … Đồng thời, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kết hợp đổi mới công nghệ, đầu tư vùng chuyên canh tập trung nuôi bò sữa…

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới để hạn chế việc sử dụng công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường bảo hộ thương hiệu, nhãn mác, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm….

Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 963 triệu USD các sản phẩm sữa. Trong 3 năm qua, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 250-300 triệu USD các sản phẩm sữa sang 43 nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Canada.. Mới đây, Việt Nam ký Nghị định thư chuẩn bị xuất khẩu các sản phẩm sữa sang Trung Quốc vào tháng 9/2019.

Thiên Phúc