Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay nhà vô địch Microsoft trong cuộc đua trí thông minh nhân tạo (AI) đang hụt hơi.
Số liệu của FactSet cho thấy dù đi đầu về AI và cổ phiếu Microsoft tăng gần 57% vào năm ngoái, đạt thành tích tốt nhất kể từ năm 1999, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, sự hạ nhiệt của ChatGPT và AI đã khiến nhà đầu tư phải xem xét lại tình hình.
Cụ thể, mức tăng giá cổ phiếu thường niên của Microsoft từ đầu năm đến nay chưa đến 11%, thấp nhất trong số những tập đoàn công nghệ lớn và thậm chí thấp hơn cả mức bình quân S&P 500.
Cổ phiếu của Microsoft cũng là mã duy nhất thấp hơn Chỉ số công nghiệp bình quân thường niên Dow Jones trong năm nay.
Đây là một thông tin cực kỳ bất ngờ cho giới truyền thông khi doanh thu năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2024 của Microsoft đạt 245,1 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao kỷ lục.
Lợi nhuận biên hoạt động thường niên của tập đoàn này cũng đạt 44,6%, mức cao nhất kể từ năm 2001.
Nguyên nhân thì chỉ có 1: Chi phí đầu tư cho AI quá tốn kém.
55,7 tỷ USD
Theo WSJ, việc duy trì khả năng dẫn đầu trong cuộc đua AI đang quá tốn kém ngay cả với tập đoàn có nguồn lực khổng lồ như Microsoft.
Để đối phó với đà tăng chi tiêu cho AI từ đối thủ, Microsoft cũng buộc phải đổ thêm hàng tỷ USD cho mảng này.
Báo cáo tài chính cho thấy chi tiêu vốn (Capital Expenditure) và tiền thuê thiết bị đã lên tới 55,7 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, chiếm 23% doanh thu, cao hơn so với chỉ 14% doanh thu của năm ngoái.
Giám đốc tài chính Amy Hood của Microsoft cho hay chi tiêu vốn sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và theo ước tính từ Visible Alpha, tổng chi tiêu vốn của Microsoft sẽ chiếm 28% doanh thu trong năm tài chính này và 27% trong năm tài chính tiếp theo.
Chính điều này đang khiến nhà đầu tư cực kỳ lo lắng bởi dòng tiền tự do của Microsoft chỉ tăng 3% trong năm tài khóa vừa qua so với mức tăng 25% của năm trước đó. Phần lớn số tiền này được Microsoft dùng cho đầu tư cơ sở hạ tầng AI, ví dụ mua số lượng lớn những con chip đắt tiền của Nvidia hay hệ thống làm mát cho các trung tâm dữ liệu.
Thêm vào đó, báo cáo của BMO Capital Markets nhận định Microsoft sẽ phải đối mặt với chi phí khấu hao cao hơn mức thu nhập, dẫn tới hạn chế tăng trưởng biên lợi nhuận cả trong ngắn lẫn trung hạn.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư ngày càng lo ngại Microsoft có thể thất bại khi chưa đưa ra được một thành quả thực sự nào từ khoản đầu tư lớn này.
Cho đến hiện tại, tập đoàn này chưa tiết lộ doanh thu cụ thể từ các dịch vụ AI tạo ra như công cụ Copilot.
Mặc dù giám đốc Hood đã tuyên bố rằng mức tăng trưởng doanh thu thường niên 29% của dịch vụ điện toán đám mây Azure có 8 điểm phần trăm đóng góp từ các dịch vụ AI nhưng điều này chẳng thuyết phục được Phố Wall.
Mất kiên nhẫn
“Sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư đang cạn kiệt dần với AI trước kỳ vọng công nghệ mới này có thể thúc đẩy tăng trưởng doanh thu”, chuyên gia Keith Weiss của Morgan Stanley nói thẳng.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Mark Moerdler của Bernstein thì cho rằng rất khó để nhận định chuyện gì đang diễn ra với Microsoft khi công ty có mô hình kinh doanh phức tạp, từ dịch vụ điện toán đám mây, bán máy chơi game, kinh doanh phần mềm và thậm chí là quảng cáo.
Tuy nhiên, một điều rõ ràng là OpenAI, cha đẻ của ChatGPT đang trở thành gánh nặng cho Microsoft mà chưa đem lại lợi ích thực sự gì ngoài kích động xu thế AI trên toàn cầu.
Sau khi đổ 13 tỷ USD, tập đoàn Microsoft tiếp tục tham gia vòng gọi vốn khổng lồ kết thúc vào tuần trước trị giá 6,6 tỷ USD của OpenAI, qua đó trở thành doanh nghiệp bên ngoài có liên quan nhiều nhất đến cha đẻ của ChatGPT.
Thế nhưng OpenAI lại đang trải qua thời kỳ hỗn loạn khi một số giám đốc chủ chốt rời đi gần đây. Việc dự án chuyển sang mô hình kinh doanh có lợi nhuận, trái với cam kết ban đầu cũng nhận được vô số lời chỉ trích cũng như thất vọng của nhân viên.
Xin được nhắc rằng theo dự đoán của hãng tin CNBC, doanh thu năm nay của OpenAI có thể đạt 3,7 tỷ USD nhưng hãng vẫn sẽ lỗ ròng 5 tỷ USD. Mức chi phí vận hành của OpenAI quá lớn khi ChatGPT cần quá nhiều tài nguyên để phát triển.
Thêm vào đó, những chi phí như trả lương nhân viên, thuê văn phòng cùng các khoản khác cũng khiến OpenAI chưa thể có lãi.
Xin được nhắc rằng con số này còn chưa tính đến những khoản tiền thưởng cam kết với nhân viên thanh toán bằng cổ phiếu khi OpenAI phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như nhiều khoản chi phí lớn khác mà nguồn tin của CNBC không thể giải thích rõ ràng.
Trong khi đó tờ New York Times (NYT) thì cho biết OpenAI sẽ cần thêm rất nhiều tiền để phát triển bởi số người dùng ChatGPT gia tăng đồng nghĩa với chi phí vận hành đi lên.
Theo nhiều ước tính, mỗi ngày OpenAI tốn đến khoảng 700.000 USD để vận hành ChatGPT. Mặc dù được Microsoft bơm 13 tỷ USD nhưng phần lớn số tiền đó đã được OpenAI trả các khoản dịch vụ dùng điện toán đám mây của tập đoàn này.
Tờ WSJ thì cho hay một yếu tố nữa khiến nhà đầu tư lo lắng là vị thế của Microsoft trong mảng AI không còn được như năm ngoái.
Chuyên gia Gil Luria của D.A. Davidson cho biết “các đối thủ cạnh tranh phần lớn đã bắt kịp Microsoft trên mặt trận AI< điều này làm giảm mức định giá cho cổ phiếu này”.
Nói đơn giản hơn, việc không cho ra được một sản phẩm đột phá sau thành công của ChatGPT cũng như không kiếm được lợi nhuận hay đưa ra một tương lai rõ ràng nào đang khiến nhà đầu tư thận trọng hơn với “nhà vô địch” Microsoft.