Chia sẻ với indiatimes, Sam cho biết: “Tôi ngồi làm nhạc ở Chennai (một thành phố ở Ấn Độ), và theo dõi mọi người thu âm qua màn hình. Chúng tôi đã thu âm bản nhạc với dàn nhạc giao hưởng Macedonian Symphonic của Anh Quốc. Do thực hiện phần thu âm ngay trong mùa dịch toàn cầu, tất cả các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng tại nước Anh tham gia thu âm đều phải mang khẩu trang suốt quá trình chơi nhạc – một điều không hề dễ dàng. Đây có lẽ sẽ là một trong những kỷ niệm khó quên với tôi và dàn nhạc Macedonian Symphonic Orchestra”.
Theo thông tin trên các trang mạng phim ảnh, The Macedonian Symphonic Orchestra đảm nhiệm phần nhạc của rất nhiều bộ phim châu Âu, và chi phí thấp nhất không dưới 100.000 Euro.
Nói về dự án âm nhạc phim Sám Hối, Sam CS tươi cười nói: “Tôi rất vui và hồi hộp”, đồng thời anh mong nhận được phản hồi tích cực từ khán giả Việt Nam và quốc tế dành cho phần âm nhạc của mình. “Tôi rất cảm ơn đạo diễn Peter Hein và Nhà sản xuất Ánh Sao vì sự tin tưởng mà mọi người dành cho tôi. Toàn bộ quá trình tạo ra bản nhạc này là một điều mới mẻ và kỳ diệu đối với tôi, khi tôi có thể khám phá những lĩnh vực mới. Mặc dù Sám Hối có các yếu tố hành động gay cấn với bối cảnh võ đài quyền Anh, nhưng đây vẫn là một bộ phim tràn đầy cảm xúc và lắng đọng, cho phép âm nhạc có đủ không gian để cất cánh thăng hoa”, Sam CS thổ lộ.
Chia sẻ về kinh phí gần 3 tỷ đồng đầu tư cho phần nhạc phim Sám Hối, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Tôi nghĩ mức chi phí cho một ca khúc với chất lượng như vậy là xứng đáng. Chưa tính đến chất xám của người nhạc sĩ, chỉ nhìn dàn nhạc, nhạc công, thiết bị thu âm, địa điểm thu âm và kỹ thuật viên, chúng ta cũng thấy được sự chỉn chu, quy mô của nhạc phim Sám Hối này. Một bài hát muốn hoàn chỉnh phải trải qua phần sáng tác, đến hòa âm phối khí, thu âm, dàn dựng band nhạc… rất nhiều khâu! Việc đầu tư tiền cho phần âm nhạc trong phim thật sự cần thiết vì theo tôi, âm nhạc chiếm 30% thành công của bộ phim, nhất là vào những cảnh cao trào, xúc động hoặc gay cấn nhất. Phim Việt chúng ta hay tiết kiệm phần âm nhạc vì các nhà sản xuất thường cho rằng phim ăn khách chỉ cần nhờ diễn viên hot-rating và kịch bản tốt mà thôi, nên đôi khi hời hợt trong việc mua nhạc và đầu tư cho âm nhạc trong phim. Có những phim ra rạp âm thanh 5.1 nhưng khi nhạc phim vang lên lại là stereo 2.1. Như thế thật đáng tiếc!”.
Thiên Phúc