Temu tung chiêu hô mưa gọi gió “đại náo” thị trường Việt Nam

Temu đã thay đổi chính sách quảng cáo chương trình khuyến mại trên app mua sắm tại Việt Nam

Trước khi bước vào thị trường Việt Nam, Temu đã xuất hiện và “làm mưa, làm gió” tại nhiều quốc gia nhưng lại nhận phản ứng không mấy thiện cảm trước những tác động tiêu cực vào hoạt động kinh doanh trong nước. Bởi lẽ, Temu thực hiện những chính sách quảng cáo, khuyến mại có nhiều dấu hiệu vi phạm, mất đi tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

CÚ LẬT NGƯỢC CỦA TEMU

Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc). Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.

Chính sách bán hàng của Temu được định hướng đến những mặt hàng giá rất rẻ so với mặt bằng chung sản phẩm tương tự tại các quốc gia sở tại nên tăng tính cạnh tranh rất cao tại thị trường trong nước. Chính vấn đề này đã dấy lên “làn sóng” tẩy chay Temu ở một số quốc gia. Tại Việt Nam, ngành công thương luôn theo sát hoạt động của sàn thương mại điện tử này. Ngày 23/10, tại họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật cho biết, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động của Temu vào thị trường Việt Nam.

Liên quan đến hoạt động của sàn Temu, tối 23/10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin, Temu chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Điều đáng nói, dù chưa thực hiện đầy những vấn đề pháp lý tại Việt Nam, Temu đã thản nhiên tung ra app mua sắm bằng tiếng Việt cho người Việt Nam sử dụng. Sàn này còn thực hiện dồn dập nhiều chiến lược khuyến mại mừng khai trương với chương trình giảm giá lên đến 90%, giao hàng miễn phí… Đặc biệt, Temu cho phép khách hàng nhận hoàn tiền mà không cần trả lại hàng trong nhiều trường hợp, bao gồm: hàng bị hư hỏng hoặc có khiếm khuyết, nhận sai mặt hàng, hoặc thiếu hàng trong đơn hàng. Chính sách được áp dụng trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận được hàng.

Temu từng công khai chính sách khuyến mại có dấu hiệu vi phạm quy định tại Việt Nam

Nhiều người tiêu dùng Việt Nam háo hức tải phần mềm Temu về mua sắm và giới thiệu cho bạn bè vì được tặng ngay 50 ngàn đồng khi tạo tài khoản, nhận 150 ngàn đồng cho mỗi lần giới thiệu bạn bè…

Chính sự “bành trướng” của Temu khi chưa được cấp phép tại Việt Nam khiến nhiều người quan ngại về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cạnh tranh thiếu minh bạch với doanh nghiệp trong nước.

Chỉ khi liên tục nhận về những phản ứng mạnh mẽ từ cơ quan quản lý Việt Nam và những doanh nghiệp nội địa, Temu mới có những động thái đầu tiên. Cụ thể, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thông tin: “Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường”.

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP). Ngành công thương sẽ tăng cường giám sát, kiểm soát hàng hoá từ các nền tảng xuyên biên giới.

3 TÁC ĐỘNG CỦA TEMU VÀO THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM

Ngành thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang có nhiều dư địa phát triển, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Theo báo cáo nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric, tổng doanh số giao dịch của 9 tháng năm 2024 đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2023. Riêng quý 3, hoạt động thương mại điện tử đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 15,9% so với quý 3/2023 với 897 triệu sản phẩm.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.

Một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là cách tiếp cận độc đáo nhằm trợ cấp chi phí vận chuyển. Không giống như nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng của mình, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Thực tế, nhiều khách hàng đã chia sẻ trải nghiệm không mấy vui vẻ khi sử dụng dịch vụ đặt hàng của Temu. Nhiều người đánh giá sản phẩm trên Temu có chất lượng thấp và không bền.

Một số khác phát hiện hàng hóa trên Temu có thể là hàng giả, không đúng như mô tả. Thậm chí mô tả sản phẩm cũng không đến từ nhà sản xuất mà chỉ được bên bán sử dụng công nghệ dịch thuật hoặc sự hỗ trợ từ AI viết lại. Như trường hợp khách hàng có ý định mua một chiếc ghế sau đấy mới phát hiện sản phẩm là một bức tranh in hình chiếc ghế đó.

Sản phẩm bức tranh hình chiếc ghế nhưng lại được mô tả dễ gây hiểu nhầm với khách hàng

Đánh giá về tác động của sàn thương mại điện tử Temu khi vào thị trường Việt Nam, đại diện YouNet ECI (doanh nghiệp chuyên nghiên cứu về phân tích dữ liệu mạng xã hội và thương mại điện tử) dự báo sẽ có một số thay đổi đáng kể cho thị trường.

Thứ nhất, lực lượng nhà bán hàng không chính hãng (online sellers) hiện đang nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Nếu Temu vẫn giữ chiến lược duy trì tỷ trọng lớn các mặt hàng cross-border (giao dịch giữa các quốc gia) từ Trung Quốc, nhóm này sẽ gặp thách thức trong việc cạnh tranh về giá cả và nguồn cung.

Dữ liệu thương mại điện tử của YouNet ECI cho thấy, hiện các nhà bán hàng không chính hãng đang chiếm 95% số lượng nhà bán kinh doanh trên các sàn tại Việt Nam nên tác động này dự kiến sẽ khá rộng.

Thứ hai, các thương hiệu OEM (sản xuất gia công) và các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) đang kinh doanh trên thương mại điện tử sẽ bị cạnh tranh mạnh.

Với sự mở rộng danh mục sản phẩm của Temu, những thương hiệu giá trung đến thấp tại Việt Nam sẽ cảm nhận sức ép trong tất cả các ngành hàng khác nhau.

Thứ ba, ở hướng tích cực hơn, Temu có thể thúc đẩy tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử như cách TikTok Shop đã làm. Khi TikTok Shop gia nhập, không chỉ riêng họ mà cả thị trường thương mại điện tử đã cùng tăng trưởng nhờ xu hướng Shoppertainment mà TikTok Shop tích cực đẩy mạnh. Shoppertainment đến nay đã giúp mang đến tiềm năng tăng trưởng cho nhiều ngành hàng mới, mở rộng đối tượng người tiêu dùng và cải tiến công nghệ cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về thương mại điện tử nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.