Theo GfK, 40% thị phần bán lẻ điện máy đang thuộc về Điện máy Xanh (1.000 siêu thị), gấp đôi thị phần gộp của Nguyễn Kim (70 cửa hàng) và Điện máy Chợ Lớn (71 cửa hàng). Hệ thống này đã có một cú bứt phá ngoạn mục khi chỉ cách đây chưa đầy 5-6 năm, khó có ai có thể nhớ được họ là ai. 5 năm cũng là chừng ấy năm chứng kiến sự khắc nghiệt của thị trường, và rất nhiều cái tên cứ thế ra đi. Thế nhưng, trái ngược với bức tranh thị trường ảm đạm, hệ thống siêu thị ĐMX đã tăng trưởng 33 lần so với 2014.
Năm 2019, khi thị trường điện máy điện lạnh trong những tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng chưa đến 5% thì Điện máy Xanh tăng đến 20% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 4 lần so với mức tăng trưởng của thị trường chung. Báo cáo tài chính 11 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động cho biết, doanh thu Điện máy Xanh 2019 đạt gần 2,5 tỷ USD, một con số ước ao của bất kỳ chuỗi bán lẻ nào. Hệ thống đã tăng trưởng liên tục trên 30% mỗi năm kể từ 2014.
Cột mốc 1000 cửa hàng của Điện Máy Xanh càng thể hiện sự phân cực mạnh mẽ của cục diện thị trường điện máy khi kẻ đến sau nhưng vươn lên dẫn đầu do áp dụng các mô hình kinh doanh mới. Các đánh giá cho thấy, một trong những nguyên nhân giúp Điện máy Xanh tăng trưởng mạnh là nhờ liên tục có những cải tiến. Nổi bật như bên cạnh phủ sóng bằng các cửa hàng Điện máy Xanh lớn, chuỗi này còn bổ sung thêm hàng loạt chuỗi cửa hàng mini ở các thành phố cấp 2. Tiếp đến là việc chuyển đổi các cửa hàng mini, từ một cửa hàng có diện tích 300m2 có thể sắp xếp sản phẩm tương đương một siêu thị có diện tích 1.000m2. Nhờ đó, họ không cần tăng chi phí mặt bằng, nhân sự mà vẫn có thể tăng số bán ra gấp 2, gấp 3 lần trước đây.
Có lẽ điều nhiều người thắc mắc là sau 1000 cửa hàng sẽ là gì? Đó có lẽ là tham vọng nâng thêm 10% thị phần nữa tại Việt Nam lên 50% và đưa Điện máy Xanh tiến ra nước ngoài như lời CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ mới đây. Quả thực, sau khi đã vượt qua hàng loạt đối thủ, điều duy nhất mà Điện máy Xanh còn phải làm đó là vượt qua chính mình mà thôi.
Chu An