Cảm cúm
Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch yếu, bạn rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào giao mùa thu, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết, và cảm cúm dễ xảy ra.
Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc bệnh này. Hơn hết, để phòng ngừa, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ.
Bệnh tim mạch
Trong những ngày thu, thời tiết nóng lạnh thất thường, số trường hợp bị nhồi máu cơ tim gia tăng, kể cả nguy cơ đột quỵ cũng tăng. Những người có vấn đề về tim mạch sẽ càng tăng nguy cơ bị bệnh suy tim. Đó là do, khi thay đổi thời tiết đột ngột, cơ thể cũng phải thay đổi để thích ứng với thời tiết, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch. Ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên đề phòng chứng tăng huyết áp, khó thở, tim đập nhanh, do sự thay đổi nhiệt độ dễ gây ra những cơn co thắt nhiều ở mạch máu.
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả và cá, hạn chế chất béo có hại, không hút thuốc và chăm chỉ thể dục. Nếu thấy có vấn đề về tim mạch hay huyết áp, cần chú ý theo dõi, đi khám bác sĩ để điều chỉnh hoạt động của tim mạch và huyết áp, ngăn ngừa bệnh, không nên để đến khi bị bệnh trầm trọng mới điều trị.
Sốt và cảm lạnh
Sốt hay gặp trong mùa thu là sốt do virut, biểu hiện dưới các dạng như sốt phát ban, cúm… nền nhiệt độ từ 38,5oC trở lên. Đối tượng dễ mắc bệnh là người già và trẻ em do sức đề kháng yếu. Triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết khi mắc sốt do virut là sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu… Nếu ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày, sau đó tự khỏi. Ở thể nặng hơn người bệnh sốt ly bì 5-7 ngày và dễ gặp các biến chứng viêm long đường hô hấp cấp trên, viêm phổi…
Sốt virut lây truyền nhanh qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) nhất là trong môi trường tập thể: trường học, công sở, nơi công cộng. Để phòng tránh sốt virut, cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng fluor. Do thời tiết nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí cao nên cần phải giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Đặc biệt là vào lúc sáng sớm và buổi tối hay khi ngủ.
Vấn đề về tiêu hóa
Vào mùa thu, sức đề kháng của cơ thể giảm nên khó chống lại ảnh hưởng của các vi khuẩn gây bệnh, do đó, hệ tiêu hóa càng bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ loét dạ dày tá tràng tăng. Các chứng bệnh như đầy hơi, chậm tiêu, hội chứng ruột kích thích cũng luôn gây khó chịu cho mọi người.
Để giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, nên có chế độ ăn uống khoa học: đúng giờ, không bỏ bữa, không hút thuốc. Nên loại bỏ khoai tây chiên và thịt băm viên, chả cá cũng như thức ăn hun khói, thức ăn quá cay, quá béo, trà và cà phê đặc, sôcôla và tuyệt đối kiêng rượu. Nên ăn các loại thịt nạc và cá để cung cấp chất đạm cho cơ thể.
Bệnh dị ứng
Giao mùa, thời tiết khô hanh xuất hiện nhiều dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, bụi bông, lông súc vật, khói… là những tác nhân gây các chứng dị ứng như: viêm da dị ứng, mề đay, viêm kết mạc, hen phế quản… Hơn nữa trong phòng làm việc mùa thu hanh khô, các loại bụi từ thiết bị máy móc, thảm trải, mực in dễ phát tán và trở thành tác nhân gây dị ứng. Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Giữ vệ sinh cơ thể (nhất là đường mũi họng) và môi trường sống sạch sẽ, tinh thần thoải mái để hạn chế mắc bệnh
Nguồn: VietQ.vn