Hội thảo diễn ra với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), các doanh nghiệp xuất khẩu, luật sư, Phòng thương mại các nước, các DN xuất nhập khẩu…
Các đại biểu chia sẻ nội dung xoay quanh tiến trình hội nhập của Việt Nam trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới ngày một xích lại gần nhau hơn, xu hướng ký kết các hiệp định đối tác song phương, đa phương ngày càng được đẩy mạnh. Sự thảo luận đánh giá, phân tích chuyên sâu trong mối quan hệ chặt chẽ về mặt kinh tế đầu tư giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) thông qua việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, ưu đãi thuế quan. Nền kinh tế toàn cầu cũng đang chịu những biến động lớn liên quan tới xung đột thương mại Mỹ Trung, các rủi ro có thể phát sinh cũng như tầm quan trọng của các phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế, điển hình là trọng tài, hòa giải và các cơ chế liên thông..
Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Trọng tài viên VIAC, đưa ra cái nhìn tổng quát về Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập, đồng thời nhấn mạnh nội dung và những tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến nền kinh tế Việt Nam.
Ông Võ Trí Thành đề cập những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đối với nền kinh tế thế giới, đồng thời đưa ra những lý do về Việt Nam trở thành “Miền đất lành” với nhiều cơ hội dành cho các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nắm rõ pháp lý và dự phòng rủi ro.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Kristy, Taun-Tru Hsu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN Đài Loan (Trung Quốc), Viện nghiên cứu Kinh tế Chung –Hus đã chỉ ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế và thương mại Đài loan (Trung Quốc). Bà Kristy, Taun-Tru Hsu cũng đề cập xu hướng mới trong việc bố trí đầu tư của các nhà sản xuất và Việt Nam là một trong những trung tâm đầu tư và Đài Loan (Trung Quốc) nhắm tới trong nhứng năm gần đây, đồng thời đưa ra những phương án đầu tư để đối phó với chiến tranh thương mại.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: được nhận định là tổ chức uy tín và năng động trong giải quyết tranh chấp, VIAC đang ngày một chứng tỏ mức độ uy tín và tầm ảnh hưởng của mình không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên trường quốc tế. Trong 3 quý đầu năm 2019, VIAC ghi nhận 235 vụ tranh chấp được thụ lý và giải quyết với tổng giá trị tranh chấp lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung tâm hòa giải Việt Nam – VMC, một đơn vị mới đi vào hoạt động cũng đã tiếp nhận 6 vụ hòa giải trong lĩnh vực xây dựng với tổng giá trị tranh chấp gần 950 tỷ đồng. Qua những số vụ tranh chấp trên, chứng tỏ chúng ta cần quan tâm hơn đến những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) như thông qua thương lượng, hòa giải và trọng tài.
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ổn định, trung bình từ 6 – 7%/năm, sở hữu thị trường nhiều tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhiều doanh nghiệp nước ngoài; Việt Nam cũng là một trong các mục tiêu hướng đến trong chiến lược mở rộng phát triển của Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm gần đây(1). Tính lũy kế đến hết tháng 8/2019, Đài Loan (Trung Quốc) có 2.661 dự án với gần 32 tỉ USD vốn đăng kí, đứng thứ 4/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore(2), trong đó tập trung vào các ngành sản xuất và công nghiệp chế biến, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.
Nền kinh tế thế giới hiện nay được đánh giá là đang chuyển biến hàng giờ và có thể đi theo những xu hướng khó dự đoán hơn bao giờ hết(3); Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hơn nữa để trở thành “miền đất lành” cho các nhà đầu tư uy tín, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng; đồng thời có nhiều chính sách tiếp tục đảm bảo tính hấp dẫn và ổn định của đầu tư nước ngoài nói chung.
Thiên Phúc