Một cuộc “đại phẫu” chưa từng có đang diễn ra tại Intel, tập đoàn từng được xem là biểu tượng quyền lực của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ. Trong một thông báo gây chấn động vào tuần này, Intel xác nhận sẽ cắt giảm hơn 25.000 nhân sự, tương đương khoảng 23% lực lượng lao động toàn cầu, từ 108.900 người xuống còn khoảng 75.000 vào cuối năm 2025.
Đây không chỉ là một cú sốc nhân sự mà còn là chỉ dấu rõ nét cho sự khủng hoảng kéo dài bên trong “gã khổng lồ” từng thống trị ngành chip toàn cầu. Đồng thời động thái này cũng cho thấy Intel đang nỗ lực tái cấu trúc toàn diện để tồn tại trong kỷ nguyên AI khốc liệt, nơi mà cái tên Nvidia giờ đây mới là kẻ thống lĩnh.
Tiết kiệm đến từng đồng
Trong một bức thư gửi toàn thể nhân viên, CEO Lip-Bu Tan mới lên nắm quyền từ tháng 3/2025 tuyên bố thẳng thắn: “Không còn tấm séc trắng nào nữa. Mọi khoản đầu tư đều phải có ý nghĩa kinh tế.”
Câu nói này không chỉ nhằm siết chặt chi tiêu, mà còn phản ánh tinh thần cắt bỏ mọi lãng phí trong một tập đoàn vốn từng vận hành cồng kềnh và bảo thủ.
Khoảng 15.000 nhân sự đã rời công ty kể từ tháng 4, chủ yếu là tầng lớp quản lý trung gian, đối tượng mà Intel xem là rào cản lớn trong việc đổi mới và ra quyết định nhanh chóng. Số còn lại sẽ tiếp tục bị cắt trong vài tháng tới.
Không chỉ cắt nhân sự, Intel còn tuyên bố hủy bỏ hàng loạt kế hoạch mở rộng đầu tư lớn, trong đó có hủy xây nhà máy tại Đức và Ba Lan, vốn dự kiến tiêu tốn hàng chục tỷ USD. Tiếp đó hãng cũng giảm tốc độ xây dựng nhà máy 28 tỷ USD tại Ohio (Mỹ), khiến dự án trọng điểm hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS của chính phủ Mỹ bị lùi lại tới sau năm 2030.
Ngoài ra, Intel cũng chuyển hoạt động từ Costa Rica về Việt Nam và Malaysia, nơi chi phí sản xuất thấp hơn đáng kể.
Tờ New York Times (NYT) nhận định đây là một bước đi đầy thực dụng, qua đó thừa nhận rằng chiến lược mở rộng ồ ạt trước đây của cựu CEO Pat Gelsinger đã thất bại khi “đầu tư quá nhiều, quá sớm, mà không có đủ nhu cầu”.
Nguyên nhân của hàng loạt tuyên bố chấn động trên cũng dễ hiểu khi Intel vừa công bố quý thứ sáu liên tiếp thua lỗ, một chuỗi thất bại tài chính dài nhất trong 35 năm lịch sử công ty. Quý II/2025, hãng lỗ 2,9 tỷ USD, trong khi doanh thu chỉ đạt 12,9 tỷ USD, gần như đi ngang.
Trong khi đó, Nvidia – đối thủ mà Intel từng xem thường – đã vươn lên trở thành công ty giá trị nhất thế giới nhờ làn sóng AI. Các dòng GPU của Nvidia giờ đây chính là “bộ não” cho hàng loạt mô hình AI trên toàn cầu, còn Intel thì loay hoay với những con chip PC đã lỗi thời và lỡ nhịp với thời cuộc.
“Tôi biết vài tháng qua không hề dễ dàng. Chúng ta đang đưa ra những quyết định khó khăn nhưng cần thiết để tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình ở mọi cấp độ trong công ty”, CEO Lip-Bu Tan của Intel chia sẻ.
Intel từng là bá chủ trong lĩnh vực chip máy tính cá nhân, nhưng đã bỏ lỡ làn sóng điện thoại thông minh và đang chật vật trong cuộc đua chip AI, nơi Nvidia đang chiếm ưu thế. Với Lip-Bu Tan, một nhà đầu tư mạo hiểm giàu kinh nghiệm và từng là thành viên hội đồng quản trị của Intel, hy vọng về sự thay đổi đang được đặt lên vai ông.
Hiện CEO Lip-Bu Tan đang đặt cược vào hai quân bài. Đầu tiên là công nghệ sản xuất chip 14A hứa hẹn tạo ra các vi xử lý mạnh mẽ và tiết kiệm năng lượng, đủ sức cạnh tranh với TSMC và Samsung.
Thứ hai là thị trường chip AI, nơi Intel muốn tập trung vào các sản phẩm phục vụ đào tạo mô hình và ra quyết định phức tạp.
Tuy nhiên, ngay chính nội bộ Intel cũng thừa nhận chiến lược thì đã rõ, nhưng lộ trình thực thi vẫn đang được hình thành. Thế nhưng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nơi mỗi bước đi đều tốn hàng tỷ USD và hàng năm nghiên cứu, thời gian chính là kẻ thù lớn nhất.
*Nguồn: WSJ, NYT, Nikkei, FT