“Nhiều ông chủ không có kiến thức về quản trị nguồn vốn”

Doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn vay rẻ phải làm việc với các ngân hàng có quy định kiểm soát rủi ro quản trị chặt chẽ

* Ông có đánh giá gì về nhu cầu vốn cũng như chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) hiện nay?
– Trong giai đoạn từ 2020 đến nay, xét trong bối cảnh Covid-19, thì những khó khăn lớn nhất của DN không phải là tìm kiếm khách hàng mà là tiếp cận tín dụng.

Cụ thể, 56% DN cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Điều này cho thấy việc tiếp cận tín dụng đối với SMEs (DN vừa và nhỏ) là rất khó.

Từ năm 2023-2024, việc tiếp cận nguồn vốn của SMEs càng khó khăn hơn. DN có vay cũng khó thúc đẩy kinh doanh vì không tạo ra hiệu quả do sức cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều rất kém.
Thống kê của FIDT từ hơn 300 DN cho thấy, 60% DN không biết đến sự tồn tại của vốn lưu động, loại vốn ngắn hạn DN có thể vay để trả cho hàng tồn kho, lương nhân viên, thuê mặt bằng, với lãi suất từ 5-8%/năm. Xét về chi phí sử dụng vốn, nguồn vốn này là rẻ nhất thị trường ở bất kỳ quốc gia nào. Việc hơn 60% DN không biết về vốn lưu động chứng tỏ nhiều ông chủ DN không có kiến thức về quản trị nguồn vốn.

Nhiều chủ DN mua bất động sản quá nhiều trong giai đoạn 2022 hoặc mở rộng kinh doanh quá mức trong cùng thời gian này là bước đi quá rủi ro, thể hiện việc không có chiến lược ứng phó với chu kỳ kinh tế.

* Bên cạnh những DN đã chuyên nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ tài chính tốt để tiếp cận vốn ngân hàng, vẫn còn rất nhiều DN chưa làm tốt vấn đề này. Ông có bình luận gì về thực trạng này và những gợi ý của ông là gì?

– Hiện nay, DN SMEs gặp phải một “bệnh” rất lớn mà truyền thông cần đề cập nhiều hơn để họ có thể điều chỉnh. Đó là việc DN đang lạm dụng “xào nấu” báo cáo tài chính, trốn thuế… Tuy nhiên, nhiều DN lại chọn cách dùng “sổ trong sổ ngoài”, bán hàng không hóa đơn. Điều này khiến ngân hàng rất khó duyệt hồ sơ vay, hoặc nếu có, phải tiếp cận vốn với ngân hàng “chịu chơi” hơn, đồng nghĩa với lãi suất vay rất cao.

Việc “xào nấu” báo cáo tài chính như vậy cũng khiến DN khó tiếp cận nguồn vốn đầu tư cá nhân từ các quỹ, hoặc gọi vốn từ các cổ đông. Chẳng hạn, “Vua Nệm” gọi vốn từ Mekong Capital hay Golden Gate, các quỹ cần đánh giá chủ DN có năng lực, có sự minh bạch thu hút dòng vốn ngoại lẫn nội và có triết lý kinh doanh đàng hoàng, bền vững.
Vì vậy, với báo cáo tài chính, DN nên minh bạch. Có nhiều cách để tối ưu thuế, chứ không nên trốn thuế. Báo cáo tài chính phản ánh hoạt động kinh doanh chứ không phải để che đậy sự khác biệt giữa kinh doanh và thực tế.

Một vấn đề nữa khiến DN khó vay vốn là tài sản thế chấp. Nhiều người Việt thường có tư duy đầu tư kèm theo đầu cơ. Thông thường, có phân khúc bất động sản nông nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng… khi nắm trong tay các loại tài sản này, việc thế chấp vay ngân hàng rất khó.
Tài sản liên quan tới công việc kinh doanh là khó tách bạch, nhưng cần phải nhìn vào bức tranh tài chính tổng thể. Khi có bất động sản thổ cư, nông nghiệp hay nghỉ dưỡng, cần tính toán kỹ lưỡng để có thể sử dụng tài sản làm thế chấp vay ngân hàng.
* Vậy, ông có thể chỉ ra những điểm yếu trong việc sử dụng nguồn vốn mà DN thường gặp?

– Điểm yếu trong việc sử dụng vốn của các DN do họ hiểu rằng họ không có ngân sách để thuê một đội ngũ tài chính chuyên nghiệp. DN có doanh thu dưới 50 tỷ đồng, việc thuê CFO thường không sử dụng hết năng lực của họ. Điều này dẫn đến một vấn đề khách quan và cần định hướng thị trường cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính phù hợp.
Hiện tại, nhiều DN thuê dịch vụ kế toán ngoài, người này chỉ đơn thuần làm công tác thuế, còn công tác quản trị dòng tiền thì thường không tham gia. Ví dụ, DN nên tốn tiền mặt bao nhiêu? Nên tồn kho 1 tháng, 6 tháng hay 9 tháng? Khi nhập hàng từ nhà cung cấp, họ ép DN phải trả tiền trước, DN có nên nhượng bộ không hay là bắt buộc tìm nhà cung cấp cho phép công nợ 30 ngày? Khi bán hàng, nên tồn kho những mặt hàng nào và khi bán hàng cho khách hàng, nợ bao lâu?

Đây là bức tranh ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn ngắn hạn của DN. DN thường gặp khó khăn ở vốn này vì đầu vào phải trả tiền trước trong khi đầu ra không có nợ lớn.

Một công cụ mạnh mà DN “kẹt” vốn thường không sử dụng, đó là vốn lưu động của ngân hàng – một dạng tín dụng ngắn hạn nhưng lại giúp DN vượt qua bài toán dòng tiền hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông!