Niềm tin doanh nhân!

Chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ngày 24/8/2024

Nhớ lại hai mươi năm trước, khi lần đầu tiên có ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2004 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, chúng tôi ngồi với nhà sử học Bùi Thiết. Trò chuyện về hai từ doanh nhân ông cười bảo: Ngay từ thủa xa xưa vừa lập nước ta đã có doanh nhân – đó là Hoàng Phủ Thiếu Hoa (Công chúa con vua Hùng thứ 17) dạy cho dân Cổ Độ (nay thuộc Ba Vì) nghề tơ tằm.

Công chúa Tiên Dung con vua Hùng thứ 18 cùng chồng là Chử Đồng Tử mở mang buôn bán, giàu có ở vùng sông nước Hưng Yên; Ông Nỏ – tướng giỏi của nhà Thục là chủ một lò đúc mũi tên đồng ở Cổ loa (Đông Anh – Hà Nội); và tổ sư nghề đúc đồng là thiền sư không lộ Nguyễn Minh Không…

Ông Bùi Thiết giới thiệu cho chúng tôi đến với làng Bùng, nơi còn lưu giữ những chiếc khung cửi dệt lụa hay chiếc cày của Trạng Bùng mà ông gọi đấy là người “chính khách doanh nhân chân chính”.

Sử sách đánh giá rằng Phùng Khắc khoan “là một nhà kinh bang tế thế”. Tên tuổi và sự nghiệp của ông không những gắn liền với những sự kiện chính trị mà còn gắn liền với thành tựu kinh tế mang tính thời đại của đất nước thế kỷ XVI. Ông là tổ sư của nghề dệt the lụa và mang giống ngô khi đi sứ Trung Quốc về dạy cho dân làng. Lượt Bùng là thương hiệu nổi tiếng một thời. Phải chăng kẻ sĩ như ông chính là biểu tượng của một giá trị thực tế, lo “bát cơm manh áo” cho dân.

Nhiều ngôi làng Việt Nam tôn những người có công đem nghề sản xuất hay buôn bán dạy cho dân làng làm thành hoàng, hoặc lập đền thờ hương khói quanh năm.

Người viết bài này đã có dịp đến thăm đền thờ ông tổ ngành dệt làng Đan Loan và bà chúa buôn Quế, bà tổ gốm sứ “Chu Đậu” và hiểu ra một điều rằng dù trải qua thăng trầm dâu bể thì những người mang lợi ích cho dân luôn được dân nhớ ơn, lập đền thờ truyền từ đời này qua đời khác.

Gần với chúng ta nhất là một thế hệ doanh nhân vàng đầu thế kỷ XX. Một Bạch Thái Bưởi với tinh thần dân tộc và khát vọng cải tạo xã hội đã thiết lập được một đội tàu hơn 30 chiếc chạy khắp các tuyến sông miền Bắc và vươn ra các nước lân cận, cạnh tranh với giới chủ người Hoa, người Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng, có ý nghĩa đến tận bây giờ “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.

Đó là nhà tư sản Trịnh văn Bô hiến cả gia tài cho cách mạng và căn nhà số 48 Hàng Ngang đã trở thành địa danh lịch sử – Nơi ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… Là các nhà tư sản dân tộc yêu nước, thương dân Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện và các nhà công thương gia với tuần lễ vàng nổi tiếng ngay sau cách mạng tháng 8 để huy động sức dân phục vụ chính quyền cách mạng non trẻ lúc bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ ngày 18/9/1945

Sau này bức ảnh đen trắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp với các nhà công thương gia Hà Nội trong tuần lễ vàng 18/9/1945 được đóng khung rất trang trọng treo ở phòng làm việc của nhiều vị chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân. Đó là một biểu tượng về ý chí, sự tận tâm của chính quyền và ý thức phụng sự Tổ quốc của giới doanh nhân. Một khát vọng mãnh liệt đầy hình ảnh về Nước mạnh Dân giàu!

Tôi đã được đọc ở đâu đó rằng vào năm 1871, sau một trận hỏa hoạn khủng khiếp ở Chicago, một nhóm thương gia đứng nhìn đống tro tàn mà trước đó không lâu còn là cửa hàng của họ.

Cuộc tranh luận diễn ra ngay tại đó –nên xây dựng lại mọi thứ ở ngay dưới đống tro tàn này hay rời khỏi nó đi đến một nơi nào khác và làm lại từ đầu?

Cuối cùng gần như tất cả họ đều quyết định ra đi, tìm những nơi có nhiều triển vọng hơn. Chỉ có duy nhất một người ở lại. Người thương gia già ấy chỉ tay vào mảnh đất còn ấm tro than, nơi trước kia từng là cửa hàng của mình: “Xin các ngài hãy chờ, chính ngay tại chỗ này, tôi sẽ xây một cửa hàng lớn nhất thế giới, cho dù nó có thể sập xuống vì hỏa hoạn bao nhiêu lần nữa…” và không lâu sau đó cửa hàng của ông đã được xây dựng lại.

Cho đến bây giờ cửa hàng bách hóa Marshall Field vẫn đứng sừng sững như một tượng đài – biểu tượng cho sức mạnh của một niềm khát khao và quyết tâm chiến thắng. Trải qua nhiều biến động kinh tế trong những năm qua không ít những doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường nhưng doanh nhân thì không bao giờ bỏ cuộc.

Việt Nam, nơi mà chỉ trọng “kẻ sĩ” từ bao đời nay tầng lớp thương gia đã phải vật lộn tìm chỗ đứng trong nền kinh tế cũng như trong xã hội. Nếu không có tinh thần thép để vượt qua những rào cản, định kiến và muôn vàn khó khăn thì không thể có đội ngũ doanh nhân hiện nay. Nhiều cuộc đời chìm nổi của các doanh nhân là bằng chứng sống cho việc không bao giờ chịu khuất phục nghịch cảnh.

Ông Vua Lốp Nguyễn Văn Chẩn cũng là một ví dụ. Khởi nghiệp năm 1959 với một chiếc lốp xe giản dị, trở thành người tiên phong trong khu vực kinh tế tư nhân, làm giàu cho chính mình, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cung cấp sản phẩm hữu ích cho xã hội. Nhưng vòng kim cô của cơ chế cũ đã khiến ông và gia đình ba bốn bận bị tịch thu tài sản, ba phen đi tù. Nhưng cứ mỗi lần tai họa ập đến, ông lại vượt lên, làm lại từ đầu.

Bán chiếc xe Honda duy nhất của mình, ông Lê Văn Kiểm một người lính ra quân làm kinh tế mua chiếc xe mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc và ra đời cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng. Rồi công ty tư nhân May Huy Hoàng ra đời… Trong thời gian này ông Kiểm đã có lần đối diện với án tù do nợ nần. Cũng may vụ việc của gia đình ông không bị hình sự hóa và quyết tâm “ngã ở đâu đứng lên ở đó” nên đã có một anh hùng lao động – Lê Văn Kiểm Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Cty Đầu tư và kinh doanh sân Golf Long Thành.

Có thể kể ra rất nhiều những tên tuổi doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam mà trong số họ “ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Trong triết lý kinh doanh của nhiều doanh nhân, sự đứng vững sau những vấp ngã, những thử thách là điều vô cùng quan trọng.

Tự tôn để không bao giờ chịu thua cuộc, với người khác và với chính mình. Khôn ngoan nhất của con người là không để thất bại chỉ là thất bại “Người mất cắp mỉm cười khi lấy được của kẻ cắp chút gì”.

Tôi may mắn có dịp được gặp tỉ phú Rami Ungar (Israel) – nhà nhập khẩu và chủ sở hữu Tập đoàn tàu thủy Ray shipping và nghe ông chia sẻ bí quyết thành công của mình “ chăm chỉ, chân thành, thẳng thắn, cố gắng học hỏi, tin vào kinh thánh, biết nhìn xa trông rộng và có thua vẫn phải cười!”. Có thể nói tinh thần lạc quan và không chịu dừng bước đã làm nên tên tuổi và sự nghiệp của nhiều doanh nhân thế giới cũng như của Việt Nam.

Sự thừa nhận thất bại, rút lui khỏi những lĩnh vực không phải là cốt lõi, quay về với những sở trường của mình là biện pháp mà nhiều doanh nhân trót lỡ bước đã áp dụng và họ tìm lại phong độ của mình ngay từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2011-2013.

Kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, trải qua đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và gần đây nhất là siêu bão Yagi, cộng đồng doanh nhân thực sự đứng trước những thách thức rất lớn. Nhiều doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.

Nhiều doanh nhân đứng trước câu hỏi sinh tử – dừng lại hay chọn con đường bước tiếp? Một số thế hệ doanh nhân F2 không muốn tiếp tục con đường của cha ông họ vì nhìn thấy những gian nan khổ ải mà thế hệ đi trước trải qua.

Nếu những vụ phá sản, đổ bể trong làm ăn dễ cho ta nhìn thấy sự khốc liệt của thương trường thì sự vật lộn để tồn tại trong thời điểm này không phải ai cũng thấu hiểu! “Đó là chặng đường đầy đầy mồ hôi và xương máu khi vực lại doanh nghiệp…!” Doanh nhân Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt Nhật) và nữ doanh nhân Vũ Thị Minh Uyển (Chủ tịch TGĐ Công ty Đại Hoàng Minh) – những người trong quá khứ đã từng “trắng tay” phải làm lại từ đầu có lần chia sẻ.

Ngay sau siêu bão Yagi, gặp anh hùng lao động Ninh Thị Ty – người từng vực dậy doanh nghiệp may Chiến Thắng trên bờ vực phá sản, tôi nhận được từ chị là một nụ cười lạc quan, sự điềm tĩnh từng trải “Không thể đo đếm hết những thiệt hại xảy ra mấy năm qua đối với doanh nghiệp có hàng chục ngàn công nhân trong lĩnh vực may mặc, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, đào tạo… như Hồ Gươm và Chiến Thắng. Nhưng làm doanh nhân nghĩa là vẫn phải nhìn về phía trước để bước tiếp bởi đằng sau còn biết bao con người và gia đình trông cậy vào mình…”

Tôi yêu quý và trân trọng năng lượng tích cực luôn tỏa ra từ nữ “thuyền trưởng” gần bảy mươi tuổi tài ba này. Tôi vẫn gọi chị Ty và những doanh nhân như chị là những “chiến binh thực sự”. Họ luôn luôn sống hết mình, sâu sắc, mãnh liệt, không sợ hãi và không sống chỉ vì bản thân mình!

Ngay sáng nay thôi, khi viết những dòng này, tôi đọc trên Facebook của một doanh nhân: “Các doanh nghiệp khu vực chợ Lớn “đến hẹn lại lên” gặp nhau. Dù còn nhiều khó khăn nhưng mọi người đang học cách để bước đi tiếp, không thể chôn chân tại chỗ!”.

Trong chương trình “Bữa sáng doanh nhân” thứ bảy hàng tuần do Hiệp hội phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) và Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) tổ chức, các doanh nhân dù còn nhiều ưu tư trăn trở vẫn sôi nổi với những chuyên đề rất thiết thực với kinh doanh sản xuất mà Chủ tịch Hiệp hội TS. Nguyễn Hồng Sơn “thiết kế”. Đặc biệt vừa mới đây thôi là chuyên đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đầu tư kinh doanh do Cty Gen I chia sẻ đã đem lại niềm hứng khởi và tin tưởng cho con đường tiếp theo. Dường như với doanh nhân – dấn thân và đi đầu luôn là sứ mệnh của họ.

Thấy lòng rưng rưng đầy cảm động và thật ấm lòng.

Doanh nhân của ngày hôm nay, của sau nhiều khủng hoảng đã khác rất xa doanh nhân của những năm về trước. Giống như huyền thoại phượng hoàng – khi đến giờ của mình – con phượng hoàng bùng cháy dữ dội. Rồi trên đống tro tàn ấy, một con phượng hoàng dù còn bé nhỏ non nớt sẽ hồi sinh và tiếp tục một vòng đời phượng hoàng!

Thất bại của ngày hôm trước sẽ là thắng lợi của ngày hôm sau. Thất bại của người đi trước luôn là bài học cho những người đi sau. Chỉ cần có một điều rằng – dù có thế nào chăng nữa cũng không bao giờ được bỏ cuộc – không bao giờ từ bỏ niềm tin!

Chúng ta vẫn sẽ phải gồng sức lên để vượt qua những khó khăn mà những “cơn bão” mang tên “khủng hoảng kinh tế, đại dịch…” vừa tràn qua. Những năm tháng thật chẳng dễ dàng gì với cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt Nam. Nhưng như một phương ngôn xưa “kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng, còn người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc”. Cuộc tái thiết của cả nền kinh tế, của mỗi doanh nghiệp dường như đã bắt đầu lâu nay và càng trở nên quyết liệt hơn và hơn lúc nào hết niềm tin, quyết tâm sẽ là những yếu tố cần thiết đầu tiên để doanh nhân vươn tới thành công và đất nước luôn đặt niềm tin và đội ngũ doanh nhân của mình.